HOTLINE
0939 844 234
Giờ làm việc GMT+7
8h00 - 17h00 hàng ngày
Giờ làm việc GMT+7
8h00 - 17h00 hàng ngày
Giờ làm việc GMT+7
8h00 - 17h00 hàng ngày
Vào những ngày nghỉ cuối tuần, du khách sẽ không quá khó khăn để chọn một địa điểm giải trí gần trung tâm thành phố Cần Thơ. Cách Cần Thơ chỉ hơn 10km, từ tuyến quốc lộ 61B đoạn nối với TP Vị Thanh, nơi giáp ranh với tỉnh Hậu Giang, du khách sẽ nhìn thấy địa danh “Bưng Đá Nổi – Lung Cột Cầu” (huyện Phong Điền - Cần Thơ). Đây là địa danh gắn với lịch sử hình thành Vương quốc Phù Nam xưa.
Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu là tên gọi được hình thành cách đâu không lâu, khoảng trên dưới 20 năm từ sự tình cờ khi người dân đào mương, lên liếp trồng cây, mò cua, bắt cá… trong những lung, bàu, mương rạch tự nhiên và phát hiện, nhặt nhạnh được một số mảnh sành sứ, ấm chén, tượng đá, mảnh vàng thuộc niên đại văn hóa Óc Eo. Khi Vào những năm 1990, Viện Khảo cổ Trung ương đã có cử đoàn khảo sát đến ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền để tiến hành thăm dò, khai quật.
Qua những kết quả của khảo cổ học và những tư liệu, thư tịch cổ, người ta đã đủ cơ sở khẳng định rằng, trước người Chân Lạp (Khmer) đã từng có một sắc dân với nền văn minh, văn hóa Hindu gốc Nam Á xuất hiện, sinh sống, định cư, và mất đi trên bản đồ lưu vực sông Mekong một thời gian khá lâu.
Chính nhờ khai quật, người ta đã gặp rất nhiều cọc gỗ lớn trong một số ao, bàu quanh vùng, ở độ sâu 2, 3 m dưới lớp phù sa thực vật. Ngoài ra họ cũng phát hiện nhiều tảng đá xanh, hình khối chữ nhật đã được gia công, “nổi” lên trong cái ao của khu di tích này. Cùng với những di vật bằng gốm, đồng, vàng, với những xương thú lớn đã hóa thạch, các chuyên gia đã khẳng định dưới nền đất phù sa của Bưng Đá Nổi – Lung Cột Cầu cách đây trên 1.500 năm đã có cư dân Phù Nam cổ sinh sống thành một cộng đồng khá phồn thịnh. Vì đâu vương quốc này lụi tàn đến nay chưa có lời giải thích thỏa đáng.
Từ trồng vườn, đào ao nuôi cá, gia đình chủ nhà đã quyết định biến nơi đây thành khu du lịch dân dã, sinh thái miệt vườn gắn với tìm hiểu lịch sử. Đặc biệt, khi đến khu du lịch Bưng đá nổi – Lung cột cầu, ngoài được tham quan vườn cây ăn trái và thưởng thức những món ăn đậm chất Nam bộ, du khách còn được trải nghiệm trở thành người nông dân miền Tây thực thụ.
Đầu tiên du khách được mặc những bộ đồ bà ba để thấy thoải mái và dễ dàng tham gia các hoạt động. Đối với những khách đoàn, khi tham gia trò chơi sẽ được chia ra làm hai đội để thi đấu các trò bắt vịt, bắt cá dưới mương, đi cầu tre không tay vịn… Đội nào thắng sẽ được hưởng thành quả do mình bắt được như cá lóc nướng, vịt nấu cháo…
Bắt vịt, bắt cá dưới mương được xem là những hoạt động sông nước đặc trưng của người dân miền Tây. Cảm giác rượt đuổi những chú vịt trên đồng rồi hò hét khi túm được chúng là những khoảnh khắc vui vẻ khó quên với bạn bè. Hay khi được tận tay bắt con cá lóc đang cố ẩn mình dưới nước, mò mẩn dưới bùn để kiếm cá là những cảm xúc thú vị khó tả.
Với một số chiến lợi phẩm đáng kể là những con cá lóc, cá rô…, du khách có thể tận hưởng thành quả này một cách ngon lành bằng các món ăn dân dã thơm lừng như cá nướng trui hoặc nấu canh chua đúng chất Tây Nam bộ ngay tại nhà vườn.
Trong lúc chờ đợi bếp làm đồ ăn, hai đội tiếp tục tham gia hoạt động đi cầu tre không tay vịn và bơi xuồng. Những chiếc cầu tre ra đời gắn liền các hoạt động sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Việc đi trên thân gỗ tre dễ trơn trượt, dưới chân là dòng nước chảy xiết khiến nhiều người phải thót tim. Dù rất cẩn thận nhưng nhiều bạn trẻ lại té ầm xuống nước, lại mang lại cảm giác mát rượi khi được hòa mình vào dòng nước bên dưới.
Ngoài những hoạt động trên, du khách còn được tham gia thu hoạch đào củ lùn hay leo cây hái trái giống như như những nông dân thực thụ.
Thầy Michael Augustine – giảng viên Trường đại học Cần Thơ chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên thầy cùng các em sinh viên khoa ngoại ngữ của trường tham gia buổi dã ngoại để được trải nghiệm cuộc sống của người nông dân miền Tây. Những hoạt động và trò chơi tại đây rất bổ ích và thú vị, giúp cho sinh viên có thêm nhiều bài học thực tế và kinh nghiệm sống. Đoàn chúng tôi nhất định sẽ quay lại khu du lịch này một lần nữa”.
Anh Nguyễn Phạm Hoàng Việt – Giám đốc Công ty TNHH TM DV DL Nguyễn Phạm (KDL Lung Cột Cầu) cho biết: Trong những năm tới công ty sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm một héc-ta để làm phong phú thêm các hoạt động vốn gắn liền với cuộc sống của người dân miền Tây. Đặc biệt, đẩy mạnh xây dựng các homestay cho du khách nghỉ dài ngày và xây dựng khu vực trưng bày các cổ vật thời văn hoá Óc Eo, góp phần làm nên giá trị văn hoá của Khu Du lịch Bưng Đá Nổi – Lung Cột Cầu này, để du khách biết đến nhiều hơn.